Sau 3 tháng kể từ ngày phát động, cuộc thi khởi nghiệp Ra Khơi 2023 chủ đề “Ignite Your Startup Engine” đã chính thức vinh danh Quán Quân Atoulle với dự án “Tái chế vỏ tôm để bảo quản trái cây”.

  Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu, trong đó, tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Theo số liệu từ Bộ Công thương công bố, lượng phế phẩm tôm ở Việt Nam ước tính lên đến 325.000 tấn/năm, thậm chí có xu hướng tăng cao theo đà phát triển của ngành công nghiệp chế biến tôm. Nhận thức chất “vàng” tiềm ẩn trong những điều tưởng chừng là phế phẩm, nhóm sinh viên Khóa 25, 26 Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Văn Lang đã triển khai dự án biến vỏ tôm thành Chitosan – Chế phẩm sinh học giúp bảo quản trái cây với thời gian gấp 2 – 5 lần so với cách bảo quản thông thường nhưng vẫn giữ nguyên hương vị, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bằng sự sáng tạo mang tính đột phá, kiên trì trong quá trình nghiên cứu và sâu sát trong việc lập kế hoạch tiếp cận khách hàng tiềm năng, đội thi đã thành công thuyết phục nhà đầu tư và trở thành Quán Quân chung cuộc.

IMG_2569-scaled

   Biến rác thải thành chế phẩm sinh học bảo quản trái cây bằng ứng dụng khoa học và công nghệ! Bạn không nghe lầm đâu!!! Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn thủy hải sản phong phú và cũng là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, và có thể bạn chưa biết, tôm lại là “át chủ bài”, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, phần lớn tôm xuất khẩu của Việt Nam được chế biến dưới dạng bóc vỏ, bỏ đầu hoặc tôm lột nên phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến tôm chủ yếu là đầu, vỏ, mảnh vụn thịt và tôm hỏng. Vậy Vỏ tôm: chất thải hay “vàng”?  Theo số liệu từ bộ công thương, lượng phế phẩm tôm ở Việt Nam ước tính khoảng 325.000 tấn/năm. Theo đà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến tôm, lượng phụ phẩm tôm có thể lên đến hơn 450.000 tấn vào năm 2025, tương ứng mỗi ngày có hơn 1.000 tấn phụ phẩm bị thải loại khỏi dây chuyền sản xuất. Lượng phụ phẩm khổng lồ này nếu thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhằm giảm thiểu lượng rác thải đó, Atoulle biến vỏ tôm thành Chitosan – chế phẩm sinh học giúp bảo quản trái cây an toàn. Chitosan giúp bạn bảo quản trái cây trong thời gian dài hơn (gấp 2-5 lần so với cách bảo quản thông thường) mà vẫn giữ nguyên hương vị, không hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn cho người dùng.

Nhờ đó: 

  – Giúp giải quyết vấn nạn “giải cứu trái cây” hàng năm của người nông dân.

     – Tăng thời gian bảo quản trái cây của thương lái, thương nhân mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe người dùng.

     – Bà nội trợ, sinh viên dễ dàng trong việc bảo quản trái cây, tránh gây lãng phí khi trái cây nhanh hư hỏng, khi không có nhiều thời gian đi chợ mỗi ngày.