1. Vấn đề pháp lý
Quy định pháp luật về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
2. Trả lời
Thứ nhất, đối với cách xác định đối tượng bị quản lý, trước hết là về khái niệm người sử dụng trái phép chất ma túy, theo khoản 10 Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy 2021 (LPCMT 2021), người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính. Đồng thời, theo Điều 37 Nghị định 105/2021/NĐ-CP, đối tượng bị quản lý là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 LPCMT. Tức là, để xác định người bị quản lý thì ta dựa vào hai điều kiện: (i) Người bị quản lý là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy dựa theo khoản 10 Điều 2 LPCMT 2021; và (ii) Người bị quản lý không thuộc các trường hợp được nêu tại khoản 5 Điều 23 như sau:
(a) Người sử dụng trái phép chất ma túy được xác định là người nghiện ma túy;
(b) Người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
(c) Người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
(d) Người sử dụng trái phép chất ma túy phải thi hành án phạt tù; và
(e) Người sử dụng trái phép chất ma túy trong danh sách quản lý chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích.
Như vậy, việc xác định đối tượng bị quản lý cần căn cứ cụ thể vào hai điều kiện cần và đủ đã nêu trên.
Thứ hai, về khái niệm quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, theo khoản 1 Điều 23 LPCMT 2021, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý hành chính.
Thứ ba, đối với quy định về thời hạn và cách tính thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, căn cứ khoản 2 Điều 23 LPCMT 2021, thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là 01 năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã ra Quyết định quản lý. Ngoài ra, pháp luật còn quy định một số trường hợp đặc biệt của thời hạn và cách tính thời hạn dựa theo Điều 43 Nghị định 105/2021/NĐ-CP:
(i) Trong thời hạn quản lý 01 năm đó, nếu người đang có quyết định quản lý bị phát hiện tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy mà không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 LPCMT đã nêu trên thì Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra Quyết định quản lý mới, trong đó xác định lại thời hạn quản lý là 01 năm, kể từ ngày ra Quyết định quản lý mới.
(ii) Trường hợp người đang trong thời hạn quản lý chuyển nơi cư trú thì thời hạn quản lý được tính tiếp từ ngày chuyển đi tới khi hết thời gian quản lý còn lại.
Như vậy, thời hạn quản lý được quy định một cách nghiêm ngặt và mang tính chất răn đe đối với trường hợp tái sử dụng trái phép chất ma túy trong quá trình bị quản lý.
Thứ tư, về nội dung quản lý, theo khoản 3 Điều 23 LPCMT 2021 và khoản 2, 3 Điều 44 Nghị định 105/2021/NĐ-CP, người quản lý phải thực hiện những nội dung quản lý như sau:
(i) Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể của người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
(ii) Tư vấn về tâm lý, thay đổi thái độ của người sử dụng trái phép chất ma túy để họ có thái độ tích cực, chủ động tránh xa ma túy;
(iii) Giáo dục về pháp luật phòng, chống ma túy, tác hại của ma túy, các nội dung khác tùy theo đặc điểm nhân thân;
(iv) Động viên, giúp đỡ để người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động tự quản, hoạt động thể dục, thể thao, các phong trào giúp ích cho xã hội để nâng cao sức khỏe, kỹ năng sống, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; và
(v) Ngoài ra, đối với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi thì phải đảm bảo việc học văn hóa và những người được phân công tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ phải có sự tham gia của giáo viên nơi người đó đang học hoặc đội thiếu niên tiền phong, đoàn thanh niên.
Tóm lại, để thực hiện việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo đúng quy định của pháp luật, thì UBND cấp xã phải tuân theo quy trình ra quyết định việc quản lý nêu trên. Đồng thời, người quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thì phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nội dung quản lý như đã nêu trên trên nhằm giúp người bị quản lý không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ và góp phần phát triển xã hội.
Mọi thắc mắc xin liên hệ:
PHÒNG TƯ VẤN TÂM LÝ VÀ PHÁP LUẬT
Văn phòng Tầng 3, Nhà Văn hóa Sinh viên TP. HCM, Khu đô thị ĐHQG TP. HCM
Email: phongtuvannvhsv@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/tuvan.nhavanhoasinhvien/
Phone: 028 3636 1453