1. Vấn đề pháp lý

Quy định pháp luật về hành vi xúi giục trẻ em tảo hôn.

2. Trả lời

Thứ nhất, về khái niệm trẻ em theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Theo khoản 8 Điều 3 và điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên (cách xác định chính xác số tuổi được phép kết hôn được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Như vậy, hành vi xúi giục trẻ em tảo hôn là hành vi kích động bằng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc bằng bất cứ thủ đoạn nào để người dưới 16 tuổi kết hôn.

Thứ hai, hành vi tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016. Người nào thực hiện các hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, cụ thể:

i) Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em (nếu có) theo điểm b khoản 1 và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

ii) Xử lý hình sự: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm theo Điều 183 Bộ luật Hình sự hiện hành.Tóm lại, để trẻ em được bảo vệ và chăm sóc từ tâm lý, thể chất và tinh chất bên cạnh việc đề ra các mức xử lý cho hành vi tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn cần định hướng các biện pháp giáo dục đến mọi người đặc biệt là trẻ em về những tác hại to lớn mà nạn tảo hôn để lại.