1. Vấn đề pháp lý

Quy định pháp luật về biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.

2. Trả lời

Thứ nhất, về khái niệm bạo lực học đường, theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP thì đây là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Thứ hai, về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với vấn đề bạo lực học đường, theo khoản 4 Điều 44, khoản 2 Điều 85 Luật Trẻ em 2016 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan quy định tiêu chuẩn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường.

Thứ ba, về biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, khoản 1 Điều 6 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định cụ thể các biện pháp như sau:

– Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;

– Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;

– Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;

– Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; và

– Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Tóm lại, Nhà nước và xã hội luôn luôn chú trọng việc bảo đảm về giáo dục cho trẻ em. Do đó, vấn đề bạo lực học đường càng được quan tâm sao sát để đưa ra những quy định phù hợp về biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

PHÒNG TƯ VẤN TÂM LÝ VÀ PHÁP LUẬT

Văn phòng Tầng 3, Nhà Văn hóa Sinh viên TP. HCM, Khu đô thị ĐHQG TP. HCM

Email: phongtuvannvhsv@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/tuvan.nhavanhoasinhvien/

Phone: 028 3636 1453