Chồng con liên tiếp vào chiến trường, Mẹ Thứ ở nhà tần tảo nuôi con và cháu khôn lớn. Suốt 30 năm, Mẹ cần mẫn cùng các con đào hầm trong vườn để nuôi giấu chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật ngay trong lòng địch. Bao đêm dài Mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà.
Cựu chiến binh Lê Tự Tân (80 tuổi) còn nhớ như in những ngày Mẹ Thứ nhiệt tình góp gạo vào quỹ “nuôi quân”, những đêm họp mật gần như nín thở của chiến sĩ, bộ đội bên dưới những căn hầm. Ông Tân hồi tưởng: “Tôi nhớ nhất là hình bóng mẹ gầy gò bên chiếc đèn dầu tù mù trông chừng từng bữa ăn, giấc ngủ cho đến họp hành của các cán bộ, chiến sĩ. Nhớ nhất là cái nồi đồng to bằng cái nia nấu cơm nuôi quân của mẹ, chén cơm nóng chuyển xuống hầm “giải” cơn đói cho lực lượng bộ đội mỗi khi hành quân về tá túc tại đây”.
“Mẹ hiền từ, nhiệt tình, thương anh em bộ đội chúng tôi như con đẻ của mình. Mỗi dịp ghé về thăm mẹ, bà dặn dò từng li, từng tí: ‘Sự nghiệp cách mạng còn dài, tụi bây phải cẩn thận, sơ hở là hỏng hết’ ”, ông Tân nhớ lại.

2


Hiếm có bà mẹ nào gánh chịu nhiều khổ đau như mẹ Nguyễn Thị Thứ. 9 người con ruột, một con rể và một cô cháu ngoại đã lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bà Lê Thị Trị, người con gái hiện nay còn sống với mẹ Thứ, kể: “Mỗi lần nghe tin một đứa con hy sinh, mẹ cắn răng khóc thầm…”. Thời chiến tranh bà Trị vẫn còn nhỏ xíu, song vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ những khi có giấy báo tử gửi về.
“Có mấy bận giấy báo tử các anh tôi liên tiếp từ chiến trường báo về, mẹ thẫn thờ lặng im hoặc quẩn quanh trong vườn nhà nhặt cái này, lượm cái kia như người mê sảng. Nhưng thời gian dần nguôi ngoai, các chú dân vận địa phương đến động viên, mẹ tiếp tục cho các anh khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo”, người con gái cuối cùng của mẹ Thứ hồi tưởng.

3


SỰ CÔ ĐƠN VĨ ĐẠI CỦA NGƯỜI MẸ ĐÃ HIẾN DÂNG CẢ 9 NGƯỜI CON CHO ĐẤT NƯỚC
Đại tá Trần Hồng (SN 1947) được biết đến là nhà báo chuyên ghi lại hình ảnh về cuộc sống của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đời cầm máy chụp, Đại tá Hồng ấn tượng nhất với Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Đó là người mẹ phải hứng chịu nỗi đau không từ nào có thể diễn tả. Nhà mẹ Thứ có đến 11 liệt sĩ, trong đó có 9 con trai, 1 con rể và 1 người cháu ngoại.
Năm 2001, ông chụp bức đầu tiên, cảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy. Bức ảnh toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước.
“Bất chợt bữa đến nhà, tôi thấy mẹ đang ngồi như thế này. Bà bảo tôi rằng bà vẫn đợi nó về. 9 thằng chắc chắn có một thằng về với tôi, chắc chắn thế”.

5

Bức ảnh thứ hai về mẹ Thứ khi bà ở tuổi 100, được thể hiện qua tác phẩm “Giấc mơ của bà mẹ”.
Ông kể đó là giây phút may mắn mà ông ghi lại được khi đến thăm đúng lúc mẹ đang ngủ trưa. Mẹ ngủ trong một giấc mơ êm đềm với hình ảnh người con trai trở về. Đó là di ảnh của người con đã in dấu hình chiếc khăn rằn của mẹ ngả trên ngực con trai như một niềm chia xa trong nỗi nhớ mong.
“Mẹ vẫn sống để chờ đợi con, những cuộc trở về của những người con trong mơ. Mẹ đã được nhìn từng mặt 9 người con trai trở về trong giấc mơ của mình”, ông bồi hồi xúc động. Khoảnh khắc quý giá ấy đã làm nên một tác phẩm để đời cho ông về chân dung mẹ.

4
1-1

Mẹ Thứ đã được trao tặng danh hiệu mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1994. Bức tượng mẹ hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trân trọng với những gì các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước đã đồng ý xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ. Công trình đã được khởi công vào ngày 27/7/2009, tại Núi Cấm thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Nguồn nội dung: VnExpress
Hình ảnh: Nhà báo Trần Hồng
Thiết kế: T.LN
Concept: T.COB
Mời các bạn xem video HUYỀN THOẠI MẸ THỨ tại đây:
https://www.facebook.com/congthanhgiong.vn/videos/1205512613114903/