45 năm trôi qua, từ ngày Sài Gòn được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng dân tộc, nơi đây đã có nhiều bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Có khó khăn, thử thách nhưng cũng rất nhiều cơ hội “vàng” để thành phố vượt qua tất cả và khẳng định hình ảnh của mình, trở thành một trung tâm phát triển của đất nước, xây dựng nền tảng “Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
02/7/1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, được đông đảo mọi người ủng hộ và đồng ý ký vào bản quyết nghị thay tên để gửi lên Chính phủ. Sau 30 năm 1976, khi đất nước đã hòa bình, Quốc hội khóa VI, quốc hội thống nhất lần thứ hai đã ra quyết định chính thức đổi đô thành Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ 1976 đến nay, các lĩnh vực về kinh tế, du lịch, văn hóa xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh cũng dần thay đổi rõ nét. Kinh tế tăng trưởng theo các giai đoạn, mức tăng trưởng (GDP) đã từng đạt gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, du lịch tại thành phố cũng phát triển không kém, thu hút đông đảo khách trong đến ngoài nước đến tham quan.
Nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người cho rằng đây là nơi giao thoa nhiều dòng chảy văn hóa, là “cơ cấu kiến trúc” Việt – Hoa – Châu Âu. Vì trên 300 năm trước, Bến Nghé – Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ Trung, Bắc đến lập nghiệp, rồi các di dân người Hoa vào định cư ở Biên Hòa, Mỹ Tho cùng hội tụ với dân cư bản địa. Sau đó, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Với vai trò vị trí là một Trung tâm Văn hoá của cả nước, thành phố hiện có 22 đơn vị nghệ thuật, 9 rạp hát, chiếm 15,5% và 18,6% số lượng của cả nước.
Không chỉ nổi bật về kinh tế, du lịch, văn hóa xã hội, những công trình tiêu biểu của thành phố cũng được nhiều người biết đến. Người ta hay nói vui với nhau rằng, nếu đến đây mà bạn chưa đặt chân tới: Chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất Dinh Độc lập,…thì xem như chưa đi Thành phố Hồ Chí Minh. Như thế cũng phần nào hiểu được rằng, thành phố luôn có nhiều điều để khách phương xa hay thậm chí là người ở đây để khám phá, tim hiểu.
Trong giai đoạn hiện nay, thành phố đang rơi vào những ngày khó khăn nhất do dịch bệnh. Thế nhưng, không vì thế mà nhiều người bỏ rơi nơi này. Ngược lại, nơi đây nhận được tình yêu thương, sự chở che của đồng bào cả nước hướng về miền Nam ruột thịt.
45 năm – Một hành trình cố gắng, nổ lực không ngừng của các lãnh đạo đồng hành cùng người dân, đã tạo nên những tiếng vang lớn đối với thành phố. Chặng đường phía trước còn dài, thành phố chúng ta vẫn sẽ kiên cường, anh dũng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để xứng danh thành phố mang tên Bác – thành phố Hồ Chí Minh anh hùng.
Một số hình ảnh về hành trình 45 năm của Thành phố Hồ Chí Minh: