Nguồn: Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh

Hội trường Thống Nhất

1

Là địa điểm lịch sử, gắn liền với sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lúc 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, xe tăng T54B mang số hiệu 843 của Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Trung úy Bùi Quang Thận đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Độc Lập, tiếp đó xe tăng T59 mang số hiệu 390 do Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào dinh. Lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Quân Giải phóng Bùi Quang Thận, đại đội trưởng, chỉ huy xe 843, đã hạ lá cờ Việt Nam Cộng hòa trên nóc dinh xuống, kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên, kết thúc 20 năm cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ngày nay, Hội trường Thống Nhất là nơi sinh viên thành phố tổ chức buổi học tập, tìm hiểu lịch sử, tổ chức các hành trình đến các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố. Vào ngày 04/01/2020 vừa qua, Thành Đoàn – Hội Sinh viên Thành phố đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2020) tại khu vực đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất.

Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh

2

Ngày 09/01/1950, học sinh, sinh viên thành phố đã tụ tập phía trước Dinh Thủ Hiến (nay là Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh) để biểu tình, đây cũng là ngày mà anh hùng LLVT Trần Văn Ơn đã anh dũng hy sinh.

Ngày 12 tháng 8 năm 1978, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định sử dụng tòa nhà này làm Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 13 tháng 12 năm 1999 thì đổi tên thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh ngày nay được sử dụng nhằm giới thiệu các nét văn hóa, bản đồ, biểu đồ, hình ảnh, các phong trào đấu tranh cách mạng tại Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu “Tam giác sắt” Văn khoa, Y Dược, Nông-Lâm-Súc

3

Trong giai đoạn đấu tranh cách mạng, Đại học Văn khoa là cái nôi của phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Sài Gòn; trở thành một trong 3 đỉnh của “tam giác sắt” Văn khoa – Y-Dược-Nông-Lâm-Súc của phong trào HS-SV Sài Gòn. Với những hoạt động của mình, sinh viên Đại học Văn khoa trở thành lực lượng tiêu biểu đấu tranh trên các lĩnh vực từ chính trị đến văn hóa văn nghệ, báo chí. Họ cùng sinh viên của Đại học Dược, Sư phạm, Luật, Khoa học và Nông lâm súc tạo thành các trung tâm, thành “tam giác sắt” trong quá trình đấu tranh đòi hòa bình của sinh viên miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở đô thị Sài Gòn phát triển mạnh mẽ theo từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tượng đài anh hùng LLVT Trần Văn Ơn

4

Sáng 09/01/2006 tại công viên Bách Tùng Diệp (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) đã khánh thành tượng đài liệt sĩ Trần Văn Ơn.

Tượng bằng đồng, cao 2,6m, được sáng tác bởi nhà điêu khắc Lâm Quang Nới. 56 năm trước, cũng vào ngày này (09/01/1950) người học trò yêu nước Trần Văn Ơn đã ngã xuống trong phong trào chống Mỹ của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Vào dịp 09/01 hàng năm, Hội Sinh viên Thành phố, Hội Sinh viên các trường cũng như các Quận Huyện Đoàn trên địa bàn thành phố cũng đều tổ chức các đoàn đến dâng hoa, dâng hương tại tượng đài LLVT Trần Văn Ơn.

Công trình Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh tại trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh khánh thành vào năm 2016.

5

Công trình do Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG-HCM và Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện, khởi công vào ngày 09/01/2016 nhân kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2016). Đây là hành động thiết thực của hội viên, sinh viên thành phố nhằm thể hiện tình cảm, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn- Gia Định – TP. Hồ Chí Minh.

Lấy cảm hứng từ bài hát “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh – cựu sinh viên Văn khoa, công trình là sự tái hiện lịch sử phong trào sinh viên, học sinh yêu nước, cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhóm hình tượng Sinh viên tình nguyện xếp bút nghiên lên đường kháng chiến; hình tượng Ngọn lửa tự thiêu vì hoà bình của nữ sinh Văn khoa Nhất Chi Mai; nhóm hình tượng Phong trào “Hát cho dân tôi nghe” và làn sóng SVHS xuống đường đấu tranh chính trị; hình tượng Nữ sinh hân hoan tung cánh chim hoà bình, tượng trưng cho tinh thần “Vươn ra biển lớn” của các thế hệ sinh viên, học sinh Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, quyết tâm học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bức phù điêu công trình được làm bằng chất liệu composite phủ màu đồng và đá cẩm thạch trắng có chiều cao 2,5 m, dài 5 m, diện tích 12,5m2. Khối nền làm bằng chất liệu đá đen, cao 45 cm, dài 8m, rộng 3,6m, có cây xanh và đèn màu trang trí. Được xây dựng tại Trường ĐH KHXH&NV (cơ sở 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1), công trình mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi chính nơi đây là một “địa chỉ đỏ”, một trong những trung tâm đấu tranh sôi nổi của phong trào học sinh, sinh viên yêu nước những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Công trình Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh khánh thành vào năm 2019

6

Thiết kế điêu khắc khắc họa đậm nét khí thế hào hùng của sinh viên Khoa học đại học đường (Đại học Khoa học – Nơi thành lập chi bộ sinh viên đầu tiên của phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn) xuống đường đấu tranh, được tập hợp đông đảo qua những buổi Hội thảo tại Giảng đường, các hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động của các đội – nhóm phong trào mà tên tuổi đã gắn liền với nhiều thế hệ sinh viên; là hình ảnh các thế hệ sinh viên trường vẫn luôn miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học dù trong giai đoạn tranh đấu hay hòa bình; là biểu tượng chim bồ câu, là hình ảnh lá cờ Tổ quốc, là biểu tượng khoa học tự nhiên khắc họa rõ nét tinh thần của các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường luôn hướng về Tổ quốc và khát vọng làm giàu tri thức khoa học

Công trình Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh tại trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh khởi công vào Tháng 01/2020 nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam.

7

Công trình đã khắc họa tinh thần đấu tranh, ham học hỏi, ý chí vươn lên, khát khao cháy bỏng của thế hệ học sinh – sinh viên nói chung và thế hệ sinh viên Phú Thọ – Bách khoa nói riêng cùng với thông điệp “Bàn tay ta làm nên tất cả”, chính những bàn tay của các thế hệ học sinh, sinh viên đã và đang góp phần xây dựng đất nước vững chắc, giàu mạnh, văn minh.

Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố

8

Trước năm 1975, tại số 04 Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố) là trung tâm đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh do Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định trực tiếp lãnh đạo… Đây cũng là nơi xuất phát các phong trào đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đòi tự trị đại học, chống đôn quân, bắt linh và là nơi chứng kiến những đêm không ngủ, hát cho dân tôi nghe, đốt lửa căm thù của tuổi trẻ thành phố.

Trong giai đoạn 1963 – 1975, tại số 04 Duy Tân là trụ sở hoạt động của những tổ chức công khai do Thành Đoàn lãnh đạo: Tổng đoàn học sinh Sài Gòn, Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn, Hội Sinh viên sáng tác, Đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn, Ban Tổ chức đêm văn nghệ mừng tết Quang Trung năm 1968.

Trưa ngày 30/4/1975, các mũi tiến công và năm cánh quân khởi nghĩa ở nội thành của Thành Đoàn đã vào tiếp quản nhà số 04 Duy Tân. Lời hẹn gặp nhau ở số 04 Duy Tân của các cánh quân Thành Đoàn, các chiến sĩ của phong trào, những người con yêu của thành phố, vừa từ nhà tù, từ rừng sâu, từ những nơi trú ẩn bí mật đã kéo về đây.

Tháng 9/1975, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã quyết định chọn số 04 Duy Tân làm Câu lạc bộ Thanh niên.

Ngày 15/8/1979, Câu lạc bộ Thanh niên được quyết định nâng cấp thành Nhà Văn hóa Thanh niên. Ngày 26/3/1985, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã ra quyết định đặt bia truyền thống kỷ niệm tại Nhà Văn hóa Thanh niên với nội dung “4 Duy Tân – Trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ thành phố thời đánh Mỹ”

Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố

9

Vào năm 1996, Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Năm 2012, Trung tâm tổ chức lại bộ máy và mang tên mới: Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tọa lạc tại số 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1. Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh có chức năng tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên không vì lợi nhuận trên các mảng: Đời sống vật chất, Đời sống tinh thần, Học tập, nghiên cứu khoa học và giao lưu quốc tế; Phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp triển khai các hoạt động mang tính chất hỗ trợ học sinh, sinh viên với mục tiêu Phi lợi nhuận

Nhà Văn hóa Sinh viên Thành phố

10

Ngày 17/10/2002, Nhà Văn hóa Sinh viên được thành lập theo quyết định số 4246/QĐ – UB của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đến ngày 09/2/2006 Nhà Văn hóa Sinh viên khánh thành trụ sở riêng tại số 643 Điện Biên Phủ, Phường 1, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 24/10/2019, Nhà Văn hóa Sinh viên TP. Hồ Chí Minh khánh thành cơ sở thứ 2 đặt tại khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh với khuôn viên rộng hơn 3ha, gồm thư viện, phim trường, phòng thu âm, sân vận động, phòng tập… Nhà Văn hóa Sinh viên là đơn vị văn hóa – giáo dục ngoài nhà trường sử dụng các phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ để thu hút học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội với mục đích bồi dưỡng, phát triển và hoàn thiện nhân cách qua đó góp phần thỏa mãn nhu cầu tinh thần của học sinh, sinh viên.

Liên hoan phim sinh viên

11

Năm 2013, lần đầu tiên sinh viên thành phố đã được thử sức với sân chơi điện ảnh tại Liên hoan phim sinh viên TP. Hồ Chí Minh lần I, tiếp nối thành công từ sân chơi sáng tạo này, Liên hoan phim sinh viên được tổ chức lần thứ 4 vào năm 2019 (lần 2 – năm 2015 và lần 3 – năm 2017) với mong muốn tạo một sân chơi lành mạnh, là cầu nối để Hội viên, sinh viên thể hiện và phát huy ý tưởng, khả năng sáng tạo đối với loại hình nghệ thuật điện ảnh; tạo sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp, lành mạnh giữa sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn Thành phố cũng như tìm kiếm các sản phẩm truyền thông sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trong sinh viên. Thông qua cuộc thi phát hiện những nhân tố nhằm bồi dưỡng, phát huy trong việc thực hiện các sản phẩm giáo dục. Liên hoan phim đã thu hút đông đảo các sản phẩm xuất sắc thuộc các thể loại phim ngắn, phóng sự, MV, … đến từ các nhóm làm phim của các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trong và ngoài thành phố

Chương trình “Tuổi xanh Tôi hát”

12

“Tuổi xanh tôi hát” là chương trình nghệ thuật do Nhà văn hóa Sinh viên, Hội Sinh viên VN TP.HCM và Hội Liên hiệp thanh niên VN TP.HCM tổ chức định kỳ hàng năm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Các sân khấu âm nhạc dân tộc, ban nhạc sinh viên và sân khấu biểu diễn thời trang thu hút hàng ngàn người dân theo dõi. Trong đó, sân khấu âm nhạc dân tộc giới thiệu những làn điệu dân ca quen thuộc qua các nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu. Các nhóm nhạc acoustic đến từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM tạo không khí sôi động thông qua các phần biểu diễn những ca khúc mang giai điệu trẻ trung của các nhạc sĩ đương thời. “Tuổi xanh tôi hát” là hoạt động nhằm tạo ra sân chơi cho các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật và là nơi rèn luyện năng khiếu nghệ thuật của học sinh, sinh viên TP.HCM, góp phần giới thiệu về âm nhạc dân tộc đến đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài nước.

Liên hoan tiếng hát học sinh, sinh viên Thành phố

13

Liên hoan tiếng hát học sinh sinh viên toàn TPHCM với hơn 10 lần tổ chức, thu hút hàng nghìn sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố tham gia.

Chương trình đa dạng thể loại: đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, tốp ca, hợp ca, hợp xướng múa, ca múa và múa độc lập. Chủ đề của Liên hoan hướng đến ca ngợi vẻ đẹp truyền thống, ngợi ca vẻ đẹp con người, công trình, cảnh quan của thành phố mang tên Bác; sự phát triển, đổi mới, hội nhập của đất nước hoặc các phong trào của sinh viên, học sinh hướng tới thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình viên, học sinh hướng tới thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Liên hoan ca – múa – nhạc – kịch “Nét son hồn Việt”

14

Liên hoan Dân ca – Vọng cổ – Ca – Múa – Nhạc kịch “Nét son hồn Việt” do Nhà Văn hóa Sinh viên TP. Hồ Chí Minh và Cụm liên kết hoạt động số 4 Hội Sinh viên Thành phố phối hợp tổ chức, được phát triển từ chương trình của Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TP. Hồ Chí Minh từ năm 2016, là sân chơi về âm nhạc dân tộc dành cho các Chi hội, Câu lạc bộ/Đội/Nhóm thể hiện tài năng, sự sáng tạo nhằm đưa âm nhạc dân tộc vào môi trường học đường; từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cho hội viên, sinh viên.

Chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường”

15

Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định Chương trình âm nhạc dân tộc học đường là một trong những công trình, chương trình, đề án trọng điểm trong nhiệm kỳ. Hội Sinh viên Thành phố đã xác định với sự đa dạng về yếu tố vùng miền của sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, cộng với khả năng nhận thức, khả năng tiếp cận tốt với thông tin, thì việc tham gia bảo tồn, phát huy âm nhạc dân tộc là một việc làm có ý nghĩa lớn, mang tính giáo dục cao, góp phần trực tiếp vào sự phát triển đời sống văn hóa của sinh viên Thành phố nói chung và đồng thời đó cũng góp phần trong công cuộc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Các chương trình, liên hoan, hội thi trong chuỗi “Chương trình âm nhạc dân tộc học đường” đã dành được sự quan tâm yêu thích của một bộ phận lớn sinh viên thành phố. Sinh viên được bồi dưỡng và chủ động bồi dưỡng tình yêu, niềm đam mê dành cho âm nhạc dân tộc; số lượng sinh viên quan tâm ngày càng tăng, sự chuẩn bị cho các phần dự thi, các phần biểu diễn ngày càng công phu và có yếu tố nghệ thuật cao, trong đó tập trung đẩy mạnh một số loại hình sau: Ca trù, Hát chèo, Quan họ, Hát bài chòi, Đờn ca Tài tử…

Không gian kịch nói sinh viên (trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh)

16

Từ năm 2013, với mong muốn giới thiệu loại hình nghệ thuật kịch nói đến sinh viên, với vở nhạc kịch “Hạc huyết” được CLB Văn minh học đường, CLB Văn nghệ xung kích CKT (Trường KHXH&NV – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) lần đầu tiên công diễn đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.

Từ đó, các thành viên đội kịch trong nhiều buổi sinh hoạt đã cùng nhau thực hiện dự án xây dựng một Không gian kịch nói sinh viên tại trường. Kịch bản của mỗi vở kịch được chuyển thể từ các tác phẩm văn học được phép lưu hành, xuất bản trong nước, do nhóm biên kịch của Đội kịch biên soạn và đóng góp từ các thầy cô, sinh viên khoa Văn học & Ngôn ngữ, các nghệ sĩ có chuyên môn trong nghệ thuật kịch của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh; đây cũng chính là cách thức phát huy ý tưởng sáng tạo trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật của sinh viên.

Nội dung các vở kịch cũng được Hội Sinh viên trường định hướng lồng ghép các yếu tố giáo dục đạo đức, lối sống, định hướng thẩm mỹ cho sinh viên. Mô hình đã phát huy các thế mạnh chuyên ngành của sinh viên ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP. HCM trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật kịch nói; qua đó phát triển chương trình thành không gian sinh hoạt, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật định kỳ của sinh viên trường và sinh viên thành phố.

Mô hình tạo ra một sân chơi văn hoá, văn nghệ mới, hấp dẫn cho hội viên, sinh viên Thành phố, góp phần định hướng chân thiện mỹ, giáo dục đạo đức, lối sống cho đông đảo sinh viên qua hình thức nghệ thuật kịch nói. Mô hình được đông đảo hội viên, sinh viên Thành phố đón nhận, được đánh giá cao các thầy cô cũng như một số nghệ sỹ, đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp. Mô hình đã được trao tặng giải thưởng Mô hình, giải pháp tiêu biểu “Bồ Câu Trắng” năm học 2016 – 2017 của Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình “Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường” (Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

17

Với mong muốn định hướng và phát triển văn hoá thưởng thức, truyền cảm hứng cho sinh viên về các giá trị tốt đẹp của dân tộc thông qua các loại hình âm nhạc dân tộc với kho tàng các tác phẩm có giá trị văn hoá, nghệ thuật, nhân văn lâu đời, từ năm 2017, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện “Chuỗi chương trình âm nhạc dân tộc” với các bước chuẩn bị bài bản, giúp định hướng sinh viên hình thành thói quen thưởng thức âm nhạc dân tộc. Qua quá trình thưởng thức thụ động, sinh viên nhận ra các thông điệp sống, giá trị văn hoá, lịch sử bên trong các tác phẩm, chủ động thưởng thức và hình thành thói quen thưởng thức, giới thiệu các loại hình âm nhạc dân tộc đến bạn bè, người thân.

Trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến tháng 02/2020, chương trình đã có những kết quả nổi bật như sau:

– Tổ chức thành công 02 Hội thi cấp Thành và nhiều hội thi cấp trường, cấp cơ sở thu hút hơn 10.000 lượt đoàn viên, thanh niên quan tâm và tham gia.

– Tổ chức trình diễn thành công 26 trích đoạn cải lương trong các chương trình lớn, thu hút sự quan tâm của hơn 20.000 lượt đoàn viên, thanh niên đơn vị.

– Đăng tải thành công 08 đoạn phim giới thiệu trích đoạn cải lương trên kênh, trang tin điện tử. Đội hình “Sân khấu cải lương” dàn dựng 04 trích đoạn cải lương và biểu diễn 18 buổi, thu hút hơn 2000 lượt thanh thiếu nhi tham gia.

– Trích đoạn “Sự tích dưa hấu” biểu diễn tại 12 đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự tham gia của hơn 1500 lượt thanh thiếu nhi tham gia. Giới thiệu loại hình âm nhạc dân tộc đến hơn 3000 học sinh tại các Trường THPT trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thông qua việc kết hợp biểu diễn với câu lạc bộ văn nghệ các Trường THPT.

Vào tháng 3/2020, chương trình đã được trao tặng giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh.

CLB Kịch nói sinh viên bằng tiếng Anh (Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh)

18

Bắt đầu từ năm học 2016 – 2017, nhằm thúc đẩy tinh thần thi đua học tập của sinh viên; tạo môi trường năng động, chuyên nghiệp, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, tăng khả năng diễn xuất, đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ cũng như trau dồi kiến thức đối với các tác phẩn văn học thuộc bộ môn Văn học Anh và Văn học Mỹ, các sinh viên chuyên ngành tiếng anh của Khoa Ngoại ngữ trường ĐH Mở TP. HCM và sinh viên có khả năng ngôn ngữ tiếng anh của các trường bạn, có năng khiếu diễn xuất đã thành lập CLB Kịch nói sinh viên bằng tiếng Anh tại trường. Với đội ngũ cố vấn là các thầy cô giảng viên tại khoa sẽ hướng dẫn các nhóm chọn tác phẩm văn học nước ngoài (Mỹ, Anh, …) phù hợp với mục đích, cảm nhận và khả năng truyền tải tốt nhất của mình. Tính đến nay đã có hơn 4 tác phẩm văn học Mỹ và 6 tác phẩm Văn học Anh được đem công diễn tại nhà hát kịch TP.HCM, quy tụ hơn 200 sinh viên tham gia diễn xuất và gần 500 khán giả mỗi đêm diễn. Các tiết mục đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo sinh viên cũng như sự quan tâm của các đơn vị báo chí, truyền thông.

Đội hình sinh viên, y bác sĩ trẻ tình nguyện, đội hình hỗ trợ khu cách ly tại ký túc xá ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

19-1

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Thường vụ Thành Đoàn – Hội Sinh viên Thành phố đã kịp thời chỉ đạo Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên các trường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch đến sinh viên, thông tin kịp thời các thông báo nghỉ học của nhà trường, phối hợp với Ban quản lý Ký túc xá tiến hành kiểm tra thân nhiệt và phát dung dịch rửa tay cho sinh viên.

Sáng ngày 22/3, Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ ra mắt “Đội hình sinh viên, y bác sĩ trẻ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút Corona (COVID-19), xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh” tại Quận Thủ Đức. Đội hình bao gồm hơn 200 chiến sĩ là các y bác sĩ trẻ, nhân viên các phòng khám, bệnh viện trực thuộc các trường Đại học trên địa bàn Thành phố, Hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Thành phố và các sinh viên các trường có đào tạo về ngành y; với mục tiêu xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh, đồng thời phát huy chuyên môn, tinh thần xung kích của sinh viên ngành y nói riêng và tuổi trẻ Thành phố nói chung cùng với chính quyền và nhân dân Thành phố tham gia hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành Đoàn – Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố thành lập các “Đội hình hỗ trợ công tác nhập liệu phiếu khai y tế tại các khu cách ly tập trung” tại 5 điểm cách ly tập trung của Thành phố; triển khai “Đội hình sinh viên, y bác sĩ trẻ tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (COVID-19), xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh”, tổ chức tập huấn tại các Khu lưu trú công nhân, cho học sinh các trường THPT cũng như khảo sát và lắp đặt 14 trạm rửa tay tại các chợ, bệnh viện trên địa bàn Thành phố với tổng trị giá 700 triệu đồng.

Sinh viên, y bác sĩ trẻ Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tham gia phòng chống dịch COVID-19

20

Đông đảo sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM chung tay góp sức hỗ trợ hệ thống y tế trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, đội hình sinh viên Y dược đã trực tiếp hỗ trợ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và một số địa điểm theo đặc thù, được chia làm 2 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 (từ 20/03/2020 đến 29/03/2020), giai đoạn 2 (từ ngày 30/3 đến khi dịch bệnh được kiểm soát), cụ thể: giai đoạn 1 gồm 46 sinh viên, giai đoạn 2 gồm 59 sinh viên. Hằng ngày, sinh viên tình nguyện đồng hành cùng nhân viên y tế của HCDC thống kê số liệu, làm báo cáo định kỳ, báo cáo ngày, báo cáo tuần hay báo cáo đột xuất; Tiếp nhận và xử lý các thông tin qua hotline, hỗ trợ công tác tư vấn, giải đáp thắc mắc cho người dân; Theo dõi các đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm ở TP.HCM; Theo dõi các thông tin chuyến bay, cập nhật thông tin chuyến bay; Hỗ trợ thu thập thông tin, điều tra dịch tễ và nhập liệu; Cập nhật xét nghiệm của các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần với ca nhiễm tại 24 Trung tâm y tế quận, huyện và 14 khu cách ly trên địa bàn TP.HCM.

Với đội hình Tuổi trẻ Blouse trắng tình nguyện, các tình nguyện viên tham gia các hoạt động tuyên truyền về dịch bệnh, giáo dục kiến thức về phòng chống dịch, truyền tải các thông điệp tốt đẹp đến xã hội. Với mục tiêu “Đảm bảo an toàn khi quay trở lại trường học”, đội hình đã cho ra các sản phẩm, các giáo án tuyên truyền và hướng dẫn về rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách, việc ăn uống, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho đối tượng là học sinh, giáo viên các khối lớp, các trường học tại các địa bàn trên TP.HCM. Bên cạnh đó, các hoạt động như quyên góp vật phẩm, đồ bảo hộ, dụng cu y tế, nhu yếu phẩm và kinh phí để hỗ trợ cho các tuyến đầu chống dịch cũng được triển khai mạnh mẻ. Bên cạnh đó các hoạt động trực tiếp điều chế nước rửa tay nhanh, làm nón bảo vệ… được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua

Sinh viên, y bác sĩ trẻ trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia phòng chống dịch COVID-19

21

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện Chỉ thị số 26 của Thành ủy và Công văn số 904 của Chủ tịch UBND TP. HCM, thể theo nguyện vọng của các bạn Đoàn viên, thanh niên, sinh viên Nhà Trường, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức các đội hình với sự tham gia của gần 100 thầy thuốc trẻ, sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 cùng với ngành y tế Thành phố. Hoạt động của đội hình trong thời gian vừa qua đã triển khai, bên cạnh tổ chức các buổi truyền thông – giáo dục sức khỏe cho nhiều đối tượng (giảng viên, sinh viên, cán bộ Đoàn, Tổng phụ trách Đội, thiếu nhi,…), nhằm giúp cho cộng đồng có những hiểu biết chính xác và các phòng, ngừa dịch COVID-19; đội hình thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện cũng đã được tập huấn, trang bị các kỹ năng để tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh, tật TP. Hồ Chí Minh (HCDC) trong công tác điều tra dịch tễ, chống lây nhiễm tại cộng đồng, báo cáo những kinh nghiệm chuyên môn trong công tác phòng dịch, xây dựng các sản phẩm truyền thông, cập nhật thông tin và tình hình sức khỏe, kết quả xét nghiệm các trường hợp cách ly tập trung, tham gia giám sát hoạt động phòng dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp; giúp cho việc giám sát, phòng, chống dịch diễn ra hiệu quả hơn. Những hoạt động của đội hình, là minh chứng cho tinh thần xung kích, tình nguyện, phát huy chuyên môn và khả năng của những thầy thuốc tương lai, cùng với ngành y tế Thành phố tham gia chống dịch.

Dụng cụ hỗ trợ đeo khẩu trang (tai giả) của sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM và Đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh

22

Bắt nguồn từ ý tưởng của một học sinh người Canada trong việc chế tạo ra thiết bị tai giả nhằm hỗ trợ nhân viên y tế trong việc không phải chịu áp lực ở vùng tai và có thể đeo khẩu trang làm việc trong thời gian dài mà không bị đau nhức. Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông vận tải phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh đã có những sản phẩm in 3D, chế tạo thành công dụng cụ hỗ trợ đeo khẩu trang, tặng miễn phí gần 20.000 sản phẩm cho đội ngũ y bác sĩ trên cả nước để cùng nhau chung tay phòng chống dịch bệnh. Dụng cụ có hình dạng giống như chiếc lược với các nấc treo nhô ra ở hai bên. Nhân viên y tế có thể vòng dây qua các nấc (tùy kích cỡ đầu) thay vì vòng qua vành tai. Như vậy họ sẽ không phải chịu áp lực ở vùng tai và có thể đeo khẩu trang làm việc trong thời gian dài mà không bị đau nhức. Trong thời gian sắp tới, các đơn vị sẽ tiếp tục vận động thêm nguồn lực hỗ trợ, chia sẻ bản thiết kế để cho các đơn vị, các trường có máy in có thể hỗ trợ thêm nhằm giúp nhanh chóng gửi dụng cụ hỗ trợ đeo khẩu trang này đến nhiều hơn tại các Bệnh viện có nhu cầu.

Các hoạt động hỗ trợ sinh viên khó khăn, giảm học phí cho sinh viên trong mùa dịch

23

Trong giai đoạn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid19, để hỗ trợ cho đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh, Ban Thường vụ Thành Đoàn – Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố đã vận động các phần quà tặng, nhu yếu phẩm để hỗ trợ cho các trường hợp sinh viên khó khăn trong thời gian diễn biến dịch COVID-19, đồng thời chỉ đạo Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên các trường vận động các nguồn lực tại đơn vị, tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần các trường hợp khó khăn.

“Cổng thông tin điện tử dữ liệu về ba má phong trào học sinh – sinh viên thành phố”

24

Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa trong hội viên, sinh viên Thành phố; qua đó thể hiện tình cảm và trách nhiệm của hội viên, sinh viên thành phố đối với các gia đình và cá nhân đã có nhiều đóng góp cho phong trào đấu tranh của sinh viên – học sinh Sài Gòn – Gia Định trong thời kỳ kháng chiến. Đồng thời, tuyền truyền giới thiệu đến đông đảo sinh viên và xã hội về công lao, đóng góp của các ba má phong trào đối với phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên Thành phố. Tạo cơ sở dữ liệu về ba má phong trào học sinh – sinh viên Thành phố trên mạng xã hội để các thế hệ học sinh – sinh viên về sau có cơ hội để các thế hệ học sinh – sinh viên về sau có cơ hội được tiếp cận với những câu chuyện, bài viết vê các nhân chứng lịch sử về một thế hệ đấu tranh hào hùng của dân tộc. Hội Sinh viên Thành phố xây dựng ý tưởng và thực hiện trang tin điện tử Cổng thông tin điện tử – Dữ liệu về Ba má phong trào học sinh – sinh viên Thành phố với địa chỉ trang điện tử https://www.bamaphongtraohssv.vn/.

Cổng thông tin là công trình thiết thực chào mừng kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống Học sinh – Sinh viên (09/01/1950 – 09/01/2019).

Hàng năm, Hội Sinh viên các trường, các Quận – Huyện Đoàn thường xuyên tổ chức, tăng cường các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc cho các Ba, Má phong trào sinh viên, học sinh Thành phố như tặng quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, vận động nguồn lực xây mới nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho gia đình ba má phong trào có hoàn cảnh khó khăn; sửa chữa, mua sắm trang bị một số vật dụng gia đình. Hội Sinh viên Thành phố tiếp tục phân công Hội Sinh viên các trường thực hiện các bài viết, phỏng vấn các Ba, Má phong trào học sinh, sinh viên và tiếp tục đăng tải tại chuyên trang.

Cổng thông tin Biên niên sự kiện phong trào học sinh, sinh viên thành phố

25

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2020), Thành Đoàn – Hội Sinh viên Thành phố đã cho ra mắt cổng thông tin “Biên niên sự kiện phong trào học sinh, sinh viên thành phố” (http://bienniensukien.hoisinhvientphcm.com/)

Công trình là trang thông tin điện tử hệ thống hóa các cột mốc lịch sử, sự kiện quan trọng. của phong trào học sinh, sinh viên thành phố từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc đến những năm tháng xây dựng và phát triển đất nước.

Đây là công trình có giá trị giáo dục truyền thống để thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay hiểu biết thêm các sự kiện quan trọng trong quá trình đấu tranh hào hùng của cha anh, đồng thời có ý thức góp sức mình viết tiếp những trang vàng đó. Do đó, công trình không chỉ dừng lại ở những sự kiện từ quá khứ đến nay mà còn được tiếp tục cập nhật trong thời gian tới, với những cột mốc lịch sử ý nghĩa do chính các thế hệ hssv ngày nay ghi dấu bằng chính những bước phát triển của phong trào học sinh, sinh viên thành phố Bác.

Phần mền truy cập thông tin Anh hùng liệt sĩ “anhhunglietsi.vn”

26

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Ban Thư ký Hội Sinh viên TP. Hồ Chí Minh đã khởi xướng thực hiện và đưa vào hoạt động “Phần mềm truy cập thông tin Anh hùng Liệt sĩ” tại nghĩa trang liệt sĩ Thành phố, nhằm giúp cho gia đình, người thân, đồng đội của các anh hùng liệt sĩ có thể tìm kiếm thông tin, vị trí bia mộ của liệt sĩ một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Để thực hiện được phần mềm, Hội sinh viên TP. Hồ Chí Minh phân công các chiến sĩ trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP. Hồ Chí Minh thực hiện các vai trò khác nhau như: thiết kế hình ảnh, bản đồ; thiết kế giao diện trang chủ, giao diện website; xử lý cơ sở dữ liệu; xử lý tìm kiếm thông tin; xử lý thống kê, tổng hợp; thiết kế tính năng cho hệ thống; thực hiện công tác đăng ký nền tảng kỹ thuật bao gồm tên miền (domain) và máy chủ VPS. Chuẩn bị thiết bị đi kèm nhằm hoàn chỉnh hệ thống máy tính tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố gồm: màn hình cảm ứng, máy tính có tốc độ xử lý phù hợp, loa âm thanh, máy in phiếu bản đồ, bàn kê thiết bị.

Website sử dụng nhằm mục đích tìm kiếm thông tin, vị trí các phần mộ của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố; phần mềm có tích hợp các bài hát, phim, tiểu sử hình ảnh, tư liệu của các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng có thể xem thông tin một cách trực quan thông qua thiết bị máy tính đặt tại nghĩa trang hay đơn giản chỉ bằng chiếc điện thoại smartphone có kết nối internet, đây còn là nguồn tư liệu quý giá nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, giáo dục truyền thống. Gia đình, thân nhân, đồng đội của các anh hùng liệt sĩ có thể chủ động cung cấp những di vật, tư liệu, câu chuyện của các anh hùng liệt sĩ thông qua phần mềm, qua đó tạo nguồn dữ liệu phong phú cho công tác giáo dục. Công trình được số hóa trên website http://anhhunglietsi.vn/ và cung cấp bộ thiết bị đầu cuối (máy tính, máy in) tại Phòng thờ Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, giúp thân nhân, gia đình, đồng đội, khách viếng … có thể tra cứu trực tiếp thông tin tìm kiếm và in bản đồ hướng dẫn đường đi đến phần mộ các anh hùng liệt sĩ.

Hiện nay, công trình đã được nhân rộng tại nghĩa trang liệt sĩ Huyện Củ Chi. Mô hình cũng đã xuất sắc được trao tặng Giải thưởng 9/1 năm học 2017 – 2018 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

Hệ thống xét chọn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” trực tuyến

27

Từ năm học 2017 – 2018, Hội Sinh viên Thành phố đã triển khai, tổ chức xét chọn danh hiệu “Sinh viên 5 tốt TP. Hồ Chí Minh” thông qua hệ thống trực tuyến tại chuyên trang www.tuyenduongtphcm.vn. Hệ thống đã nâng cao tính tiện lợi và giúp các cá nhân có thể tương tác trực tiếp trên hệ thống nhằm tinh gọn thủ tục, hồ sơ giấy tờ qua việc đăng ký xét chọn danh hiệu Sinh viên 5 tốt, phương pháp thẩm định và xét chọn hồ sơ của Hội Sinh viên các cấp dễ thực hiện và đảm bảo tính khách quan, công bằng, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý dữ liệu hồ sơ và danh sách sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt qua các năm, đẩy mạnh phong trào Sinh viên 5 tốt và đưa phong trào thực sự phát triển ở một tầm cao mới.

Thông qua việc đăng ký hồ sơ xét chọn trên hệ thống, sinh viên có thể chủ động nộp hồ sơ, minh chứng một cách đơn giản, thuận tiện, đồng thời có thể kiểm tra các tiêu chí, các minh chứng ứng với từng tiêu chuẩn cụ thể; Hội Sinh viên các trường cũng đã thuận tiện hơn trong việc thẩm định và tổng hợp các hồ sơ, danh sách một cách nhanh chóng thông qua các chức năng trên hệ thống, giúp giảm thiểu thời gian thực hiện đăng kí, hoàn thành hồ sơ của cá nhân nộp xét chọn danh hiệu, giúp tinh gọn và giảm thiểu các hồ sơ, tiết kiệm chi phí in ấn.

Việc thẩm định, đánh giá và xét chọn có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi nào, giúp tiết kiệm thời gian, không gian thực hiện. Ngoài ra, Hội Sinh viên trường có thể tổng hợp các hồ sơ, danh sách đăng kí của các cá nhân ở trường nhanh chóng và chính xác nhất, từ đó, thống kê các cá nhân còn thiếu các tiêu chí của danh hiệu để có bước nhắc nhở bổ sung kịp thời. Từ khi triển khai, số lượng đăng ký xét chọn danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố tăng hơn 150% so với các năm học trước.

Hệ thống đánh giá, thi đua trực tuyến công tác Hội và phong trào sinh viên Thành phố

28

Nhằm tăng cường việc ghi nhận, đánh giá các mô hình, giải pháp hay, sáng tạo tại cơ sở, từ năm học 2017 – 2018, Hội Sinh viên Thành phố đã tiếp tục triển khai trang đánh giá thi đua trực tuyến tại địa chỉ http://thidua.hoisinhvientphcm.com/ nhằm tăng tính khách quan trong quá trình kiểm tra, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, đánh giá chất lượng cơ sở Hội và thống kê, tổng hợp các chương trình, hoạt động Hội từ cấp Thành đến cơ sở, đồng thời tăng cường phát huy các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành trong tham gia đóng góp, tổ chức triển khai các hoạt động, chương trình trọng tâm của Hội tại cơ sở

Sau khi triển khai thực hiện xuyên suốt trong năm học, hệ thống thi đua trực tuyến đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp cán bộ Hội từ cấp Thành đến cơ sở. Các cơ sở Hội đã chủ động trong việc liệt kê các hoạt động do đơn vị mình tổ chức, có phân công đội ngũ triển khai thực hiện việc nhập liệu trực tuyến, đồng thời có thể theo dõi thường xuyên các hoạt động, mô hình, giải pháp của đơn vị mình trong xuyên suốt năm học.

Công tác kiểm tra, đánh giá cuối năm của Hội Sinh viên Thành phố cũng đã nhận được những thành quả tích cực. Các thành viên trong các đoàn kiểm tra, các tổ công tác chuyên đề có thể dễ dàng truy cập, xem thông tin, hình ảnh, minh chứng của các hoạt động, mô hình, giải pháp của bất kỳ cơ sở nào, tại bất kỳ thời gian nào.

Hệ thống thi đua trực tuyến đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình thực hiện báo cáo tổng kết cuối năm và thang điểm thi đua, đặc biệt là các đơn vị yếu, còn hạn chế. Các cơ sở Hội đã chủ động phân công trong Ban Thư ký, Ban Chấp hành HSV trường nhằm thực hiện đồng thời công tác báo cáo trực tuyến, qua đó rút ngắn được thời gian thực hiện các văn bản tổng kết và thời gian các buổi kiểm tra vào cuối năm. Đến năm học 2018 – 2019, đã có 59/59 cơ sở Hội thực hiện việc đánh giá công tác Hội và phong trào sinh viên thông qua hệ thống trực tuyến. Mô hình đã xuất sắc được trao tặng Giải thưởng 9/1 năm học 2018 – 2019 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

Website Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh

29

Website Hội Sinh viên Thành phố: https://hoisinhvientphcm.com/ – Là trang thông tin điện tử chính thức của Hội Sinh viên Thành phố, một trong những công trình của Hội viên, sinh viên Thành phố kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây còn là địa chỉ quen thuộc của cán bộ Hội, Hội viên, sinh viên Thành phố giúp cập nhật những hoạt động mới nhất, những văn bản, chỉ đạo trong công tác Hội và phong trào sinh viên của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Với giao diện thuận tiện, dễ sử dụng, trang website hứa hẹn sẽ tiếp tục là công cụ giúp Hội Sinh viên Thành phố, Hội Sinh viên các trường tăng cường tính tương tác với Hội viên, sinh viên. Là công cụ đắc lực giúp Hội Sinh viên các trường thực hiện tốt công tác Hội và phong trào sinh viên của đơn vị.

Phong trào “Sinh viên 5 tốt”

30

Phong trào “Sinh viên 5 tốt” là một phong trào lớn trong Công tác Hội và phong trào sinh viên của cả nước; với mục tiêu tạo môi trường, động lực, hướng các sinh viên phấn đấu rèn luyện, hoàn thiện mình theo 5 tiêu chí của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”: Học tập tốt – Đạo đức tốt – Tình nguyện tốt – Hội nhập tốt – Thể lực tốt.

Phong trào “Sinh viên 5 tốt” được phát triển từ phong trào “Sinh viên 3 tốt” (Học tập tốt, Rèn luyện tốt, Thể lực tốt) của Hội sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ năm 2001.

Đến năm 2009, Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2009 – 2013 diễn ra vào tháng 2/2009 đã phát động Cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” (Học tập tốt, Rèn luyện tốt, Thể lực tốt, Kỹ năng tốt, Hội nhập tốt) dành cho sinh viên cả nước.

Đến năm 2013, tại Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2013 – 2018 đã thống nhất phát triển thành phong trào “Sinh viên 5 tốt” với các tiêu chuẩn đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt. Tính đến năm 2020, Hội Sinh viên Thành phố đã tuyên dương 24 tập thể “Sinh viên 5 tốt” TP. Hồ Chí Minh, 778 “Sinh viên 5 tốt” TP. Hồ Chí Minh.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi”

31

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” là một trong các hoạt động tình nguyện hè của thanh niên thành phố trong việc tham gia hỗ trợ những thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia tại Tp. Hồ Chí Minh, hỗ trợ thí sinh, người nhà thí sinh trong quá trình nộp hồ sơ xác nhận vào các trường Đại học, Cao đẳng ở Tp. Hồ Chí Minh sau kỳ thi THPT quốc gia, tạo sự an tâm của thí sinh, chuẩn bị tâm lý tốt trước khi bước vào kỳ thi. Chương trình “Tiếp sức mùa thi” được khởi nguồn từ Chương trình hỗ trợ thí sinh thi đại học được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ năm 1997. Đến năm 2002, chương trình được nhân rộng ra toàn quốc với tên gọi chương trình “Tiếp sức mùa thi”.

Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh

32

Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh là một trong những hoạt động tình nguyện hè nổi bật của sinh viên, thanh niên thành phố được tổ chức hằng năm với nhiều nội dung thiết thực, phát huy tinh thần xung kích và khả năng chuyên môn của lực lượng sinh viên, thanh niên tình nguyện.

Những năm 1990, thực tế ở các huyện ngoại thành tình trạng mù chữ của bà con còn nhiều. Nhu cầu xóa mù chữ rất cần thiết. Lúc này, phong trào tình nguyện xóa mà chữ đã được sinh viên trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thực hiện và lan tỏa sang một số trường khác.

Năm 1994, từ thực tế của phong trào, nhu cầu bức thiết của cuộc sống, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã quyết định phát động chiến dịch tình nguyện Ánh sáng văn hóa hè và được tổ chức thí điểm tại huyện Bình Chánh. Cuối năm 1996, Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ. Nhiệm vụ chính của chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè đã hoàn thành. Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định: Đẩy mạnh phong trào tình nguyện trong sinh viên học sinh thành phố lên một bước cao hơn. Tên gọi, phương thức, nội dung, cách vận động hoàn toàn khác trước. Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh chính thức ra đời từ hè 1997

Chiến dịch Xuân tình nguyện

33

Chiến dịch Xuân tình nguyện là hoạt động tình nguyện của sinh viên thành phố diễn ra dịp cận Tết nguyên đán hàng năm nhằm chăm lo cho trẻ em mồ côi, tật nguyền, gia đình khó khăn, người già neo đơn tại các nhà mở, mái ấm, bệnh nhân nghèo đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ các vùng biên giới, biển, đảo, đặc biệt là các sinh viên nghèo không có điều kiện về quê ăn Tết, có được mùa xuân đầm ấm, hạnh phúc.

Bắt đầu từ phong trào tình nguyện đến với bà con nghèo của sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vào tết 2005, sau đó được duy trì với mô hình hoạt động tình nguyện cấp cụm của các trường Đại học trên địa bàn thành phố. Năm 2009, Chiến dịch Xuân tình nguyện được nhân rộng với quy mô cấp Thành, trở thành một hoạt động tình nguyện dành cho hội viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mỗi dịp xuân về. Năm 2018, Hội Sinh viên Thành phố tổ chức chiến dịch Xuân tình nguyện lần thứ 10. Năm 2019, Ban Thường vụ Thành Đoàn – Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố đã ban hành kế hoạch liên tịch về việc tổ chức chiến dịch Xuân tình nguyện, mở rộng về quy mô và đối tượng tham gia.

Các hoạt động tình nguyện tại nước CHDCND Lào

34

Năm 2004, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã quyết định mở rộng địa bàn tổ chức các hoạt động tình nguyện hè sang nước CHDCND Lào và Vương quốc Campuchia, đánh dấu một bước phát triển mới trong phong trào tình nguyện của tuổi trẻ Thành phố.

Hơn 15 năm qua, các hoạt động tình nguyện hè tại Lào của tuổi trẻ, sinh viên thành phố đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào, tinh thần hữu nghị, gắn bó của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với tuổi trẻ Lào; cụ thể hoá các Ghi nhớ hợp tác giữa Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Champasak và Attapeu, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Các hoạt động mang dấu ấn tình nguyện của đội hình y, bác sĩ trẻ tư vấn, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân, trao tặng các túi thuốc y tế và trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh cùng cán bộ y tế địa phương; đội hình hỗ trợ nông nghiệp, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và trao tặng hạt giống, nông cụ sản xuất cho người dân; đội hình kỹ thuật tham gia lặp đặt và trao tặng phòng máy vi tính “Kết nối tri thức”, bộ chuông điện tử phục vụ các cuộc thi học thuật; đội hình chuyên xây dựng tham gia xây dựng và trao tặng căn nhà hữu nghị “Tuổi trẻ Việt – Lào”, lắp đặt và trao tặng phòng đọc sách thiếu nhi, sân chơi thiếu nhi trong nhà, sơn vẽ các mảng tường của trường mầm non; cùng các đội hình truyền thống như dạy tiếng Việt, sinh hoạt thiếu nhi, tổ chức các ngày hội thiếu nhi, sân chơi học vui, trao tặng hàng nghìn phần quà cho người dân và thiếu nhi khó khăn tại Lào. Ngoài ra, các bạn chiến sĩ sẽ được tổ chức sinh hoạt, lưu trú tại các gia đình người Lào để có cơ hội hiểu hơn về đời sống văn hoá nước bạn. Các hoạt động đa dạng, phong phú của Chiến dịch là những món quà đầy ý nghĩa, là tình cảm của giảng viên, sinh viên, thanh niên công nhân, công chức, viên chức Thành phố gửi đến những người bạn Lào anh em.

Các hoạt động tình nguyện tại đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

35

Với mục tiêu tổ chức chiến dịch Mùa hè xanh gắn với việc xây dựng đảo thanh niên, Hội Sinh viên thành phố đã tổ chức chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại mặt trận đảo xanh tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (năm 2014) và đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (năm 2015). Song, những hoạt động đã được tổ chức chỉ dừng lại ở những công trình, những vật dụng, quà tặng nhưng chưa có những định hướng hỗ trợ xây dựng và phát triển lâu dài tại đảo. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay, Hội Sinh viên Thành phố đã xác lập các hoạt động tình nguyện tại đảo Thổ Chu là mặt trận trọng điểm, lâu dài, tham gia liên tục 05 năm nhằm phát huy chuyên môn của sinh viên thành phố để có thể xây dựng, phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tập trung các nguồn lực, các trí thức trẻ, những nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng góp sức mình, chung tay xây dựng đảo Thanh niên Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn 2016 – 2020.

Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục tình yêu biển đảo của sinh viên về bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo tổ quốc, phát huy vai trò xung kích tình nguyện, chuyên môn sáng tạo của sinh viên, tri thức trẻ Thành phố Hồ Chí Minh hướng về biển đảo quê hương, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm phát triển và hỗ trợ xây dựng đảo Thanh niên Thổ Chu, nâng lên thành huyện đảo Thổ Châu trong giai đoạn năm 2016 – 2020, vận động nguồn lực lớn (gần 10 tỷ đồng) cho mặt trận đảo Thổ Chu, xây dựng được các công trình gắn với việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân tại hòn đảo tiền tiêu. Việc xác lập địa bàn biển đảo dài hạn có mục tiêu cụ thể, gắn với đề án xây dựng nông thôn mới tại đảo, xây dựng Đảo thanh niên Thổ Chu. Mô hình cũng đã xuất sắc được trao tặng Giải thưởng 9/1 năm học 2016 – 2017 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.

Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka

36

Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học – Euréka do Thành Đoàn và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức định kỳ hành năm, là một giải thưởng khoa học có uy tín và cao quý dành cho “các nhà khoa học trẻ” còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học.

Bắt đầu từ năm học 1990 – 1991, chương trình Euréka ra đời, ban đầu thuộc quỹ học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, tài trợ cho nghiên cứu khoa học trong sinh viên. Đến năm 1999, Ban thường vụ Thành Đoàn và Ban giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nâng lên thành Giải thưởng khoa học dành cho sinh viên. Trong giai đoạn đầu, các đề tài tham dự chỉ tập trung một số lĩnh vực, số lượng đề tài còn hạn chế. Qua mỗi năm, Giải thưởng Euréka luôn có sự cải tiến nâng chất các đề tài. Từ số lượng lĩnh vực còn hạn chế ban đầu, chương trình đã phát triển thêm lĩnh vực khoa học xã hội: giáo dục, cộng đồng, triết học, Đông Nam Á – Đông phương học, địa lý, tâm lý, lịch sử, môi trường…

Qua 22 năm tổ chức (1999 – 2020), phong trào Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã thu hút hơn 60.000 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường với hơn 130.000 lượt sinh viên tham gia. Nhiều công trình sáng tạo tiêu biểu, có giá trị khoa học và mang tính ứng dụng cao đã được phát hiện, vinh danh. Có thể nói, phong trào Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka đã trở thành một sân chơi trí tuệ cho các bạn trẻ yêu thích nghiên cứu khoa học trong các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn Thành phố.

Từ các đề tài đạt giải cao, Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ Trẻ TP. HCM đã phối hợp với các Sở ngành, đơn vị tổ chức bàn giao các đề tài cho các đơn vị triển khai ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao. Các đề tài được chuyển giao đã góp phần khẳng định giá trị khoa học và khả năng ứng dụng cao của các công trình nghiên cứu khoa học từ sự sáng tạo của sinh viên thành phố.

Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka là Giải thưởng cao quý dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc dành cho Sinh viên có đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, đang học tập tại các trường Đại học, Cao đẳng và học viện trên toàn quốc, là thước đo về chất lượng đào tạo, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, là nguồn động viên, khuyến khích sinh viên tích cực đề ra những ý tưởng, giải pháp cụ thể, những phát minh mới, tham gia nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo và xây dựng phát triển đất nước.

Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế ISSF

37

Nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi về học thuật, sáng tạo, tăng cường sự giao lưu đoàn kết giữa sinh viên trong nước và quốc tế, Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Khoa học Sinh viên quốc tế ISSF lần đầu tiên vào năm 2016 với chủ đề “Sinh viên hội nhập”, lần 2 – năm 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 và Xây dựng đô thị thông minh” và lần 3 – năm 2018 với chủ đề “Nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Diễn đàn khoa học sinh viên quốc tế ISSF đã thu hút gần 400 đại biểu trong nước và đông đảo đại biểu đến từ các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Nhật Bản. Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận dưới sự dẫn dắt của các hội đồng khoa học, tham quan những công trình trọng điểm, các trung tâm khoa học công nghệ và di tích lịch sử tại TP.HCM cũng như giao lưu với sinh viên các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM, để lại những ấn tượng tốt trong lòng các đại biểu tham gia.

Ngày sinh viên sáng tạo

38

Từ năm 2013, nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của sinh viên thành phố, Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố hàng năm đã tổ chức “Ngày Sinh viên sáng tạo”. Đây không chỉ là sân chơi sáng tạo dành cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung, mà còn là nơi giới thiệu, triển lãm đề tài, sản phẩm sáng tạo, mô hình, ý tưởng, giải pháp khoa học kỹ thuật trong sinh viên; tạo môi trường giao lưu, học tập và trao đổi kiến thức về học thuật, nghiên cứu và sáng tạo trên các lĩnh vực giữa các Câu lạc bộ – Đội – Nhóm học thuật sáng tạo. Tại ngày hội đã diễn ra rất nhiều các hoạt động sáng tạo, hấp dẫn, mới lạ; tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích, cho các bạn Hội viên, sinh viên có điều kiện thể hện, phát huy ý tưởng, thể hiện khả năng sáng tạo của mình trên tất cả các lĩnh vực, các nhóm sinh viên đã có thể trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sáng tạo của đơn vị minh. Tham gia ngày hội, các bạn sinh viên đã được trải nghiệm những công nghệ mới cũng như tham gia các sân chơi lý thú, sáng tạo với gần 8.000 lượt sinh viên tham gia mỗi năm.

Cuộc thi “Sáng tạo phần mềm ứng dụng dành cho sinh viên”

39

Nhằm khuyến khích phong trào học tập, sáng tạo, qua đó phát hiện, phát triển các phần mềm ứng dụng dành cho thanh niên, sinh viên, góp phần đưa các sản phẩm phần mềm vào ứng dụng thực tế phục vụ việc học tập, sinh hoạt, giải trí lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng thực hành xã hội của sinh viên, Hội Sinh viên Thành phố phối hợp cùng Trung tâm Phát triển khoa học và Công nghệ Trẻ lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi “Sáng tạo phần mềm ứng dụng” năm 2019 dành cho sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn Thành phố. Trong lần đầu tiên tổ chức, Hội thi đã nhận được 39 hồ sơ sản phẩm dự thi của 24 trường Cao đẳng, Đại học, Học viện trên cả nước tham gia, trong đó 11 tác phẩm xuất sắc nhất được lựa chọn vào vòng chung kết.

Ngày hội sinh viên với ngoại ngữ – English Camp

40

Ngày hội sinh viên với ngoại ngữ – English Camp là một sân chơi thiết thực, phục vụ nhu cầu giao lưu anh ngữ, góp phần nâng cao kỹ năng tiếng Anh, khám phá môi trường học tập quốc tế, là một sân chơi tiếng Anh với các hoạt động học tập, tìm hiểu và khám phá văn hóa cho học sinh – sinh viên trên toàn thành phố. Tham gia ngày hội, hội viên, sinh viên sẽ được tham gia, thử sức với nhiều nội dung đa dạng, giúp tạo cơ hội cho người tham dự bộc lộ các khả năng ngoại ngữ vốn có của bản thân, đồng thời rèn luyện và nâng cao các khả năng đó. Ngày hội sinh viên với ngoại ngữ – English Camp bắt đầu được tổ chức từ năm 2015, đến nay là lần thứ 5 ngày hội đến với hội viên, sinh viên Thành phố. Chương trình do Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt sinh viên trên địa bàn Thành phố tham gia. Thông qua việc kết nối, liên kết với các đơn vị, trung tâm đào tạo anh ngữ có uy tín trên cả nước, ngày hội đã thực sự mang lại những màu sắc mới mẻ cho việc học anh ngữ, những kiến thức bổ ích giúp hội viên, sinh viên thành phố tự tin hơn và phấn đấu trở thành những “Sinh viên 5 tốt”.

Chương trình “Vinh danh Thủ khoa”

41

Nhằm tôn vinh, tuyên dương các gương tân sinh viên đạt thủ khoa trúng tuyển, thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố tổ chức chương trình “Vinh danh thủ khoa” từ năm 2014 đến nay. Năm 2019 là năm thứ 6 liên tiếp Hội Sinh viên Thành phố tổ chức chương trình “Vinh danh thủ khoa”. Đến nay, chương trình đã vinh danh 491 thủ khoa, trong đó, có 227 thủ khoa đầu vào và 264 thủ khoa đầu ra là cán bộ Đoàn – Hội tốt nghiệp, thủ khoa toàn trường có xuất sắc trong học tập, rèn luyện tại các trường Đại học, Học viện, Cao đẳng. Các bạn là những tấm gương minh chứng cho thế hệ sinh viên không ngại khó, không ngừng trải nghiệm, rèn luyện bản thân qua việc chủ động, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động cho sinh viên từ cấp cơ sở, vẫn giữ thành tích học tập, nghiên cứu khoa học, chủ động tiếp cận tri thức mới, thành thạo ngoại ngữ, sẵn sàng đón nhận cơ hội giao lưu sinh viên quốc tế, khẳng định thế hệ sinh viên thành phố bản lĩnh, năng động, hội nhập và có vị thế quan trọng trong từng hoạt động cấp quốc gia và khu vực.

Chương trình “Sinh viên Thành Phố Hồ Chí Minh – Những câu chuyện đẹp”

42

Với mong muốn đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống bằng hình thức tuyên truyền những hình mẫu sinh viên sống đẹp, những thói quen tốt trong sinh viên, giới thiệu các gương sinh viên điển hình, tiêu biểu thông qua trang mạng xã hội, định hướng những người trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, vững vàng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, phát triển toàn diện về lối sống và nhân cách, yêu thương gia đình, quan tâm cộng đồng, xã hội, từ năm 2015, Ban Thư ký Hội Sinh viên Thành phố đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình “Sinh viên Thành Phố Hồ Chí Minh – Những câu chuyện đẹp”.

Từ cấp Thành đến các cơ sở Hội đã tận dụng tốt các kênh truyền thông để tuyên truyền, định hướng giá trị sống đẹp cho sinh viên, tổ chức các hoạt động giáo dục sinh viên thông qua các tấm gương sinh viên tiêu biểu, các gương sống đẹp trong đời sống, học tập, rèn luyện và sinh hoạt hàng ngày của sinh viên tại đơn vị. Hiện nay, fanpage “Sinh viên Việt Nam những câu chuyện đẹp” đã có hơn 300 câu chuyện đẹp của sinh viên thành phố được giới thiệu, thu hút gần 15.000 lượt theo dõi của sinh viên thành phố. Chương trình đã xuất sắc được trao tặng Giải thưởng 9/1 năm học 2015 – 2016 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Xuất phát từ ý tưởng đó, từ năm 2018, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động, triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên phạm vi cả nước.

Khung chương trình trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên TP. HCM

43

Căn cứ vào đề án “Trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên Thành phố giai đoạn 2015-2020”; căn cứ kết quả khảo sát đánh giá trình độ độ kỹ năng của lao động trẻ và yêu cầu về kỹ năng đối với các ứng viên của doanh nghiệp; kết quả khảo sát năng lực sinh viên so với yêu cầu của doanh nghiệp, Ban Chấp hành Hội Sinh viên Thành phố ban hành thông báo về việc định hướng chương trình khung trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho Hội viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2020

1. Nhóm kỹ năng về nhận thức

– Kỹ năng tư duy tích cực, phản biện (Critical/ Positive Thinking Skills)

– Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creativity Skill)

– Kỹ năng xác định mục tiêu (Targeting Skills)

– Kỹ năng khám phá bản thân (Self-discovery Skills)

– Kỹ năng giải quyết vấn đề – ra quyết định (Problem Solving – Decision Making Skills)

2. Nhóm kỹ năng về xã hội

– Kỹ năng giao tiếp – ứng xử (Communication Skill)

– Kỹ năng thuyết trình (Presentation Skill)

– Kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả (Team building Skill)

– Kỹ năng tạo lập và duy trì các mối quan hệ (Creating and Maintaining relationships Skills)

– Kỹ năng thuyết phục, đàm phán và tạo ảnh hưởng (Persuading, Negotiating, Influencing Skills)

3. Nhóm kỹ năng quản lý bản thân

– Kỹ năng quản lý thời gian (Time Management)

– Kỹ năng làm chủ cảm xúc (Emotion Management)

– Kỹ năng vượt qua khó khăn và áp lực (Dealing with difficult and pressure)

– Kỹ năng thích nghi, cân bằng cuộc sống (Life Balance and Adaptability)

4. Nhóm kỹ năng chuyên nghiệp/ nâng cao

– Kỹ năng tìm việc và chinh phục nhà tuyển dụng (Find jobs and convince employers Skill)

– Kỹ năng tổ chức/ lập kế hoạch (Organization/ Planning)

– Kỹ năng điều hành cuộc họp (Meeting Management)

– Kỹ năng viết báo cáo và đề xuất (Writing Reports and Proposals)

Thông qua các chương trình trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên, mục tiêu giúp mỗi sinh viên khi tốt nghiệp phải được trải qua hoặc tự trang bị 10 kỹ năng cơ bản và 3 kỹ năng nâng cao

Chương trình “Hội Sinh viên các trường hỗ trợ các Liên đội THCS trên địa bàn thành phố”

44

Chương trình Hội Sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng hỗ trợ các Liên đội Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố được Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố và Hội Đồng Đội Thành phố ký kết liên tịch triển khai thực hiện từ tháng 05/2016 và triển khai theo từng năm học, đến tháng 10/2018 chương trình được điều chỉnh thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022. Chương trình được thực hiện nhằm phát huy tinh thần tình nguyện và chuyên môn của đoàn viên, hội viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố trong việc định hướng nghề nghệp và khuyến khích các hoạt động học tập, sáng tạo cho đội viên thiếu niên thành phố; Xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ, đội nhóm học thuật, sáng tạo từ đó nâng cao chất lượng phong trào học thuật, sáng tạo trong các Liên đội Trung học cơ sở.

Chương trình “Lãnh đạo thành phố gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu”

45

Chương trình Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu được tổ chức hàng năm, là dịp để các bạn học sinh, sinh viên tiếp tục hiến kế những giải pháp góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong các buổi gặp gỡ, sinh viên, tuổi trẻ Thành phố đã đóng góp những ý kiến, những ý tưởng, góp ý thẳng thắn, nhiệt huyết, trách nhiệm, sáng tạo đối với sự phát triển của Thành phố, với việc xây dựng môi trường sáng tạo trong trường học, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và vấn đề khởi sự doanh nghiệp; bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ của thành phố; xây dựng đô thị thông minh, gắn với chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo ở phía Đông thành phố, việc thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” cũng như nhiều vẫn đề thiết thực khác.