Vở cải lương thể nghiệm “Đợi Kiều” tái diễn tại Nhà Văn hóa Sinh viên (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã đánh một dấu mốc đưa cải lương đến gần hơn với sinh viên.
Ngày 23/9, hai suất diễn Đợi Kiều thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên và những khán giả yêu nghệ thuật cải lương. Gần 2 tiếng, vở diễn đưa người xem đến những cung bậc mới lạ của cải lương thể nghiệm.
Trong lần trở lại này, Đợi Kiều vẫn giữ nguyên toàn bộ kịch bản. Vở có tám cảnh, trong đó cảnh 2-4-6-8, nhân vật Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Đạm Tiên lần lượt xuất hiện tương ứng với 4 giai đoạn của của con người từ trẻ, trưởng thành, trung niên cho đến khi mất đi. Ở cảnh 1-3-5-7 là phần múa bóng kết hợp với âm nhạc được phổ riêng cho Đợi Kiều.
Đảm nhận cả bốn nhân vật của vở là Hồng Bảo Ngọc (sinh năm 2003) – từng đoạt quán quân Bông Lúa Vàng (2019), đây là lần thứ hai Bảo Ngọc tham gia diễn chính cho vở Đợi Kiều. Khác với sự bỡ ngỡ so với lần diễn đầu, lần trở lại này Bảo Ngọc diễn tròn vai, tiết chế và nghiên cứu nhiều hơn về các nhân vật. Chẳng hạn, với vai Giác Duyên, Bảo Ngọc học được cách lần tràng hạt nhẹ nhàng hơn, cách ngồi điềm tĩnh để truyền tải câu chuyện tới khán giả. Xuyên suốt bốn cảnh độc diễn, Hồng Bảo Ngọc thể hiện đa dạng cảm xúc từ tình yêu, oán hận, ghen ghét, tủi phận cho tới hi vọng.
Theo TS Đào Lê Na – đạo diễn vở Đợi Kiều, bốn vai diễn Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Đạm Tiên khá khó diễn, để hiểu và cảm nhận được vai diễn đòi hỏi diễn viên phải tập luyện nhiều mới có thể truyền tải được tính cách, số phận, tinh thần nhân vật.
Điều đặc biệt của vở diễn là mặc dù lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du và đặt tên là Đợi Kiều nhưng xuyên suốt vở diễn nhân vật Thúy Kiều không trực tiếp xuất hiện. Chia sẻ về quyết định khi làm vở Đợi Kiều, TS Đào Lê Na cho rằng mỗi nguời có một cách diễn giải khác nhau về Thúy Kiều, thông qua hình ảnh của Thúy Kiều để thấy được hình ảnh của người phụ nữ nói chung đó có thể là Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên, Đạm Tiên.
Ngoài ra, âm nhạc ở phần múa bóng là 4 bản soạn mới cho riêng Đợi Kiều dựa trên âm hưởng cải lương, sự kết hợp các nhạc cụ dân tộc Việt Nam và nhạc cụ phương Tây. Nếu ở cảnh mùa xuân, tiếng sáo là chủ đạo thì ở cảnh mùa hạ là tiếng đàn kìm, ở mùa thu là tiếng đàn tranh, mùa đông là tiếng đàn bầu. Trong Đợi Kiều, phần chuyển thể cải lương được TS Lê Hồng Phước đưa vào vở diễn 20 bài bản tổ của đờn ca tài tử.
Với chất giọng trong trẻo, mộc mạc, Châu Nhi là người thể hiện trọn vẹn phần âm nhạc trong cảnh 1-3-5-7 của vở diễn. Được biết, chính Châu Nhi cũng là người phổ nhạc cho các cảnh này.
Theo Châu Nhi, việc phổ nhạc cho các đoạn thơ đòi hỏi phải thể hiện được mỗi cảnh tương ứng tượng trưng cho một mùa; đồng thời vừa mang tính đương đại mà vẫn giữ được hồn của cải lương. Tuy nhiên, điều khó khăn là trong quá trình phổ nhạc, bạn cảm thấy giai điệu bị lặp lại vì thang âm cải lương chỉ quanh quẩn vài nốt, giai điệu dễ đoán nên phải tìm cách thay đổi để mang đến tính mới, bất ngờ cho khán giả.
“Khi gặp trường hợp trên thì mình tìm cách hòa thanh sao cho bất ngờ không đoán trước được, đồng thời giai điệu phần lời không quá xa rời âm điệu cải lương. Đặc biệt, phần phối khí ban nhạc giúp cảnh thực hiện đúng chất mỗi mùa, nhờ phối khí mà mỗi cảnh mang chất riêng, đầy đặn hơn”, Châu Nhi nói.
Lần này, Đợi Kiều được tái diễn, những chuyển động đương đại cũng được truyền tải nhiều hơn để người trẻ thấy được cải lương luôn có những điều mới mẻ. Ngày nay, người trẻ tiếp cận nhiều hơn với loại hình múa đương đại, âm nhạc được phối nhiều nhạc cụ khác nhau. Trong Đợi Kiều, vở diễn cũng đan xen múa bóng, cùng với tiếng sáo, tiếng đàn kìm, tiếng đàn tranh cùng với nhạc cụ phương Tây.
Nếu như ở lần đầu công diễn, Đợi Kiều thu hút nhiều khán giả là nhà nghiên cứu, giảng viên,… thì lần trở lại này, ban tổ chức muốn đưa Đợi Kiều đến gần hơn nữa với sinh viên.