1. Vấn đề pháp lý 

Quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng trong giao dịch dân sự.

2. Trả lời

Thứ nhất, về khái niệm giao dịch dân sự, theo Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015), giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Thứ hai, về khái niệm sự kiện bất khả kháng, tại khoản 1 Điều 156 BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy một sự kiện được coi là bất khả kháng cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như sau:

(i) Sự kiện xảy ra một cách khách quan:

Sự kiện xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó xảy ra không theo ý chí của các bên. Hay nói cách khác, sự kiện đó không do các bên tạo ra hoặc phát sinh do lỗi chủ quan của các bên. Để xác định yếu tố khách quan thì điều quan trọng là xác định bên vi phạm có lỗi chủ quan hay cố ý để xảy ra sự kiện đó hay không. Sự kiện này có thể là sự kiện tự nhiên như thiên tai, nhưng cũng thể là do con người gây ra như hành động của một người thứ ba.

(ii) Sự kiện xảy ra không thể lường trước được:

Sự kiện xảy ra không thể lường trước được khi sự kiện đó xảy ra nằm ngoài dự đoán của các bên. Có thể thấy các cam kết và nghĩa vụ trong giao dịch dân sự được các bên đưa ra dựa trên hoàn cảnh, điều kiện và yếu tố khách quan tại thời điểm giao kết hợp đồng. Do đó, có thể suy luận một cách hợp lý rằng, sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện mà các bên không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng.

(iii) Sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép:

Điều kiện này phù hợp với nguyên tắc thiện chí, trung thực và hướng đến việc đảm bảo thực hiện hợp đồng của các bên. Theo đó, bên có nghĩa vụ phải áp dụng mọi biện pháp trong khả năng cho phép để thực hiện các cam kết và nghĩa vụ ghi nhận tại hợp đồng và không thể trông chờ việc xảy ra một trở ngại khách quan để làm căn cứ miễn trách nhiệm thực hiện hợp đồng.

Thứ ba, hậu quả pháp lý của sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 2 Điều 351 khoản 2 Điều 584 BLDS 2015, cụ thể: trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự; người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Bên cạnh BLDS 2015, Luật Thương mại 2005 cũng có đề cập đến vấn đề này, cụ thể tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 294 Luật này quy định khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm nếu bên vi phạm chứng minh được sự kiện đó là sự kiện bất khả kháng. Tóm lại, sự kiện bất khả kháng xảy ra không phải do lỗi của bất kỳ bên nào, mà hoàn toàn nằm ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm của hợp đồng.

Mọi thắc mắc xin liên hệ:

PHÒNG TƯ VẤN TÂM LÝ & PHÁP LUẬT

Văn phòng Tầng 3, Nhà Văn hóa Sinh viên TP. HCM, Khu đô thị ĐHQG TP. HCM

Email: phongtuvannvhsv@gmail.com

Facebook: https://www.facebook.com/tuvan.nhavanhoasinhvien/

Phone: 028 3636 1453