1. Vấn đề pháp lý

Quy định pháp luật về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

2. Trả lời

Thứ nhất, về khái niệm và phân loại văn bằng, theo khoản 1 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 (LGD 2019), văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân là loại giấy được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này. Theo khoản 2 Điều 12 LGD 2019, văn bằng của hệ giống giáo dục quốc dân bao gồm:

1. Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở;

2. Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông;

3. Bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. 

Đối với khái niệm chứng chỉ, theo khoản 3 Điều 12 LGD 2019, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân là loại giấy được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.

Như vậy, văn bằng và chứng chỉ là các loại giấy chứng nhận được cấp bởi hệ thống giáo dục quốc dân và được cấp cho người học sau khi học hoàn thành một chương trình giáo dục hoặc đạt chuẩn đầu ra các chương trình tương ứng theo quy định của pháp luật hoặc sau khi hoàn thành một khoá học nhằm xác nhận kết quả học tập. Qua đó, có thể hiểu rằng, văn bằng, chứng chỉ giả là các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền là hệ thống giáo dục quốc dân cấp một cách hợp pháp mà được làm ra với bề ngoài giống như thật để phục vụ các mục đích vụ lợi hoặc phục vụ mục đích khác theo nhu cầu của cá nhân.

Thứ hai, về mức xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, theo Điều 341 Bộ luật Hình sự hiện hành (BLHSHH), người nào sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Ngoài ra, căn cứ khoản 2, 3, 4 Điều 341 BLHSHH, tùy theo tính chất và mức độ phạm tội, cá nhân còn bị phạt tù lên đến 07 năm tù giam, đồng thời sẽ bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng.

Tuy nhiên, đối với công chức và viên chức, theo khoản 3 Điều 13 và khoản 4 Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, công chức và viên chức còn phải chịu thêm hình phạt bổ sung, là sẽ bị buộc thôi việc khi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị. Như vậy, bên cạnh việc bị xử lý hình sự, công chức và viên chức sẽ bị buộc thôi việc nếu có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tóm lại, đối với cá nhân có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự từ phạt tiền cho đến phạt tù. Ngoài ra, công chức và viên chức còn bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc nếu sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả nhằm được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.