Sau chặng hành trình dài của mình, Chương trình “Âm nhạc dân tộc học đường” năm 2020 đã đi đến ga cuối cùng của mình với những thành công và những giá trị nhân văn tốt đẹp để lại trong lòng người yêu âm nhạc dân tộc nói riêng và thế hệ trẻ nói chung.
Cuối tuần vừa qua (17/10), Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM đã tổ chức “Tọa đàm âm nhạc dân tộc học đường trong sinh viên” năm 2020 về phát triển âm nhạc dân tộc trong sinh viên. Buổi tọa đàm có sự tham dự của Đ/c Nguyễn Đức Nguyên Phó Ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố; Đ/c Nguyễn Văn Hiếu – UVBTK Hội Sinh viên Thành phố, Phó Giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên Thành phố; Đ/c Trần Kim Phẳng – UVBTK, Chánh Văn phòng Hội Sinh viên Thành phố; Ông Lê Đức Pháp – Giám đốc Trung tâm văn hóa Quận 9 và các nghệ sỹ, chuyên gia về âm nhạc dân tộc như TS. Mai Mỹ Duyên; TS. NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng; Th.S. NSƯT Huỳnh Khải; Th.S. NSƯT Ngô Tuyết Mai cùng với sự hiện diện của các bạn cán bộ Hội chủ chốt và chủ nhiệm CLB-Đội-Nhóm Âm nhạc dân tộc học đường các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP. HCM.
Tại buổi tọa đàm các nghệ sỹ, chuyên gia đã trao đổi và thảo luận trong tọa đàm để đưa âm nhạc dân tộc ngày càng phát triển đồng thời các nghệ sỹ cũng đã mang đến chương trình các tiết mục âm nhạc đặc sắc mang đậm tính dân gian. Đ/c Nguyễn Đức Nguyên – UVBCH, Phó Ban Thanh niên Trường học Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Thành phố tâm huyết với 04 quan điểm của các nghệ sỹ, chuyên gia về cách làm tuyên truyền, cách làm hoạt động văn hoá thật sự tốt:
1. Khái niệm phải chuẩn thì sẽ thuận lợi hơn cho việc tuyên truyền vì khi qua các kênh tuyên truyền thì nội dung đến được với đại đa số sẽ là khái niệm, hiểu đúng thì mới hành động nhất quán.
2. Làm hoạt động về văn hoá là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ mới mong có kết quả, không chỉ dừng lại một, hai hoạt động thì nói là thành công được. Cả quá trình đó là hoạt động khơi gợi, tạo sự tò mò, là hoạt động truyền đạt kiến thức, là hoạt động biểu diễn trải nghiệm. Qua đó mới có người hiểu, yêu thích, say mê rồi mới có ý thức giữ gìn và phát huy.
3. Xây dựng các CLB-Đội-Nhóm âm nhạc dân tộc cần phải có các tiêu chí để đánh giá xem CLB-Đội-Nhóm đó có hoạt động hiệu quả không. Theo như chuyên gia chia sẻ một CLB-Đội-Nhóm tốt cần có 04 yếu tố, cũng là 04 câu hỏi: CLB có tạo môi trường để tăng sự hiểu biết không? CLB có tạo môi trường để giao lưu chia sẻ không? CLB có tạo môi trường tăng sự sáng tạo/thể hiện cái tôi thứ hai gắn với âm nhạc không? CLB có tạo môi trường để người tham gia giải trí không
4. Chủ thể của Âm nhạc dân tộc học đường có 03 chủ thể: nhà quản lý; nghệ nhân, nghệ sĩ; công chúng. Nhà quản lý là những người làm quản lý trong lĩnh vực văn hoá, nói rộng ra các tổ chức đoàn thể (Hội Sinh viên) cũng đang làm công tác quản lý; nghệ nhân, nghệ sĩ là những người biểu diễn, là lực lượng được đào tạo từ các trường văn hoá nghệ thuật, nói chung; công chúng chính là đông đảo người dân, sinh viên. Từ đó có thể thấy rằng chương trình Âm nhạc dân tộc học đường hay cuộc vận động “Văn hoá thưởng thức” mà tổ chức đang làm mục tiêu lớn nhất đó chính là tạo ra nhóm công chúng có “văn hoá thưởng thức”, có kiến thức cơ bản, khả năng cảm thụ văn hoá, cùng đó là những phương thức mới góp phần tạo ra những giá trị mới góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc.
Chương trình đã thành công trong việc truyền tải những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của âm nhạc dân tộc thông qua những bài tham luận, phát biểu và những góp ý đến từ các đơn vị chuyên môn cùng các chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc và đại diện các bạn Cán bộ Hội đến từ các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Chặng hành trình với những bước đi thật xa nhưng cũng đầy ý nghĩa nhân văn và thiết thực của “Âm nhạc dân tộc học đường trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh lần V, nhiệm kỳ 2015 – 2020” đã dừng lại. Và chặng đường tiếp theo sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiệm kỳ 2020 – 2023 với sự đổi mới và tầm quan trọng của các đơn vị đến từ các cơ sở Hội.