Lời của bài Quốc tế ca là kêu gọi nhân dân lao động toàn thế giới trong cảnh khổ cực bần hàn và làm nô lệ dưới chế độ xã hội tư bản, phải đoàn kết đấu tranh trong trận cuối cùng xoá bỏ giai cấp bóc lột cuối cùng là giai cấp tư sản để có một xã hội tương lai là L’Internationale.
Bài Quốc tế ca ra đời từ bai thơ Lanh téc na xiônan (L’Internationale) của Ơ-gien-Pôchiê (Eugène Potier), một nhà thơ lớn của Pháp viết và được in trong tuyển tập “Những bài ca cách mạng” của ông (1887). Bài thơ được một nhạc sỹ tài năng của Pháp là Pie Đờgaytơ (Pierre Degayter) phổ nhạc (1888). Quốc tế ca được biểu diễn lần đầu tiên ở Ngày hội công nhân tại thành phố Lilơ (Lille) ngày 23-6-1888, được dùng làm Quốc ca của Liên Xô thời kỳ 1918-1943. Sau khi Liên Xô chính thức có quốc ca mới (1944) thì Quốc tế ca được coi là chính ca của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Bài ca nhanh chóng dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành chính ca của các Đảng Cộng sản trên thế giới. Ở Việt Nam, Bác Hồ là người đầu tiên dịch và giới thiệu Quốc tế ca (1925). Bài này đã được hát ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn trong những ngày mùng 1 tháng 5. Lời của bài Quốc tế ca là kêu gọi nhân dân lao động toàn thế giới trong cảnh khổ cực bần hàn và làm nô lệ dưới chế độ xã hội tư bản, phải đoàn kết đấu tranh trong trận cuối cùng xoá bỏ giai cấp bóc lột cuối cùng là giai cấp tư sản để có một xã hội tương lai là L’Internationale. Đó là một thế giới đại đồng cộng sản chủ nghĩa mà trong Điều lệ Đảng hiện hành của Đảng ta ở chương I Điều 2, khoản 1 đã được xác định là mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng mà nhiệm vụ hàng đầu của đảng viên là phải tuyệt đối trung thành.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 (khoá XI) đã nêu lên ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó vấn đề trọng tâm xuyên suốt và cấp bách nhất là khắc phục tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng”. Cho rằng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng là rất đúng. Vậy thì về giải pháp, phải chú trọng tăng cường việc giáo dục lý tưởng cho cán bộ đảng viên. Phải từ hiểu đúng mục đích lý tưởng cách mạng của người cộng sản mới kiểm điểm được những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, mới có vốn hiểu biết từ gốc để tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống.
Về mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, trong đảng viên ta còn có sự hiểu biết khác nhau.
Có người cho rằng mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh không còn người bóc lột người. Hiểu như vậy chỉ đúng một phần. Mục đích của Đảng nêu trong Điều lệ, ngoài phần đó còn nêu tiếp theo hai phần. Đó là thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Lý tưởng cách mạng của cán bộ đảng viên chúng ta là lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Lý tưởng cộng sản chủ nghĩa phải được hiểu về 3 mặt:
Một là, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa về xã hội, đó là một xã hội tương lai như nêu trong bài Quốc tế ca. Đó là một thế giới đại đồng, không còn phân chia giai cấp. Đó là một thế giới có nền kinh tế phát triển với năng suất lao động rất cao, dựa vào lực lượng lao động có ý thức về làm chủ xã hội, lao động tự giác, sáng tạo, có kỷ luật, có kỹ thuật hiện đại với thời gian làm việc theo nghĩa vụ được giảm dần. Khi xã hội không còn phân chia giai cấp, thì nhà nước tự tiêu vong. Do của cải làm ra rất dồi dào lại không còn phải chi phí lớn để nuôi bộ máy nhà nước, các lực lượng vũ trang… nên đủ sức thực hiện ước mơ của con người là được làm việc theo sở trường, theo năng lực và được phân phối theo nhu cầu. Đó là một thế giới đại đồng mà con người chỉ biết thương yêu, giúp đỡ nhau, không còn phải phục tùng quyền lực của đồng tiền, quyền lực của nhà nước, không còn phục tùng thần quyền (thiên thần, nhiên thần, nhân thần). Con người sống chỉ còn tự giác phục tùng một quyền lực duy nhất là lẽ phải. Đến đây mới bắt đầu trang sử về cuộc sống con người thực sự là Người.
Hai là, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa về đạo đức, được hình thành trên cơ sở của đạo đức làm người. Đó là đạo đức về chủ nghĩa tập thể, tinh thần tương trợ đồng chí, chủ nghĩa quốc tế, lòng yêu người, ý thức về nghĩa vụ xã hội, lòng chân thật, tính khiêm tốn.
Ba là, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa về thẩm mỹ là giai đoạn cao nhất và mới về chất trong sự phát triển thẩm mỹ của loài người. Đó là vẻ đẹp mang tính nhân văn, vẻ đẹp về nhân cách, về quan hệ giữa con người với thiên nhiên, về tính cách của con người thật sự là Người trong xã hội cộng sản.
Con đường đi đến một thế giới đại đồng cộng sản chủ nghĩa còn rất xa nhưng có đi ắt sẽ đến.
Đảng ta do Bác Hồ xây dựng, giáo dục, rèn luyện đã dắt dẫn nhân dân ta đi theo con đường đó với sáu chữ “Độc lập, tự do, hạnh phúc” và theo chủ nghĩa quốc tế “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Đảng cũng đã đề ra Cương lĩnh về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo hướng đi này, nước đã được độc lập thống nhất, dân có quyền làm chủ; nhà nước là cơ quan quản lý, kinh tế thị trường nhưng đồng tiền không phải quyền lực tuyệt đối vì có ngân hàng nhà nước và kho dự trữ quốc gia, cùng với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, dân có quyền tự do không tín ngưỡng; đạo đức lối sống cao đẹp Hồ Chí Minh đang lan tỏa trong xã hội, hình tượng nghệ thuật về chân thiện mỹ được cổ vũ, tôn vinh; lẽ phải từ lý luận Chủ nghĩa Mác được truyền bá.
Mục đích lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của chúng ta vô cùng cao đẹp. Được làm đảng viên của Đảng, dấn thân phấn đấu vì một xã hội tương lai tươi sáng như nêu trong bài Quốc tế ca là rất đáng tự hào. Có hiểu đúng, hiểu sâu sắc về sự cao đẹp đó, có biết tự hào là người chiến sỹ cộng sản mới có lập trường chính trị kiên định là giữ vững độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mới biết giữ cho mình có vẻ đẹp làm Người, tránh được những vi phạm về đạo đức, lối sống thấp hèn xấu xa./.
Trần Trọng Tân
Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương
Nguồn: Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương